Tìm thấy 1455 tin trong chuyên mục Tin tức - Sự kiện

Tuyên Quang phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Thứ 6, ngày 5 tháng 1 năm 2024 - 09:29
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm nhằm kích thích phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; đồng thời là giải pháp nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách, định hướng phát triển trục sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hoá, phát triển dịch vụ nông thôn; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Toàn cảnh Hội thảo giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới năm 2022

Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 trên toàn quốc. Để triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021), với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025: Toàn tỉnh có trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 138/138 xã phường thị trấn đều có sản phâm OCOP từ hạng 3 sao trở lên còn huyện lực; mỗi huyện/thành phố có ít nhất 01 sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Tổ chức thực hiện Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021, Ngành nông nghiệp và PTNT đã tham mưu thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng OCOP tỉnh), Chủ tịch Hội đồng do đồng chí Nguyễn Thế Giang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT là Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các sở: Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Chi cục Phát triển nông thôn; Tổ tư vấn giúp việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Tuyên Quang là lãnh đạo, công chức các cơ quan thành viên Hội đồng OCOP tỉnh.

Hội đồng OCOP tỉnh Tuyên Quang họp đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm năm 2022

Với lợi thế trên 542.000 ha diện tích đất sản xuất nông lâm nghip. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 98.000 ha. Toàn tỉnh hiện đang duy trì hiệu quả một số vùng sản xuất hàng hóa, như vùng cam trên 8.000 ha, vùng chè trên 8.400 ha, vùng bưởi 5.000 ha trên 90 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản. Đây được xem là lợi thế về vùng nguyên liệu cho việc phát triển sản phẩm OCOP, là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong cả nước và vươn xa hơn nữa là tới thị trường quốc tế, góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cùng với những cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ thông qua các hoạt động: Lãi suất tín dụng; xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn; tư vấn cho các chủ thể sản phẩm lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội nghị, sự kiện ngoài tỉnh và hỗ trợ cho chủ thể có sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Sau 3 năm triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2015, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ thực hiện Chương trình trên 8 tỷ đồng, chính sách đã có sự tác động tích cực, tạo ra sự lan toả và phong trào phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh, được đông đảo tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tham gia, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Bên cạnh đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng dành nguồn lực và sự quan tâm thoả đáng cho việc phát triển sản phẩm OCOP. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện 08 đề tài, dự án khoa học về nghiên cứu nâng cao chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật mẫu mã, nhãn mác, bao bì, túi đựng, hộp đựng cho 08 sản phẩm: Rượu ngô Na Hang, Chè Shan tuyết Na Hang, Mật ong Tuyên Quang, Tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát, Miến dong Hợp Thành, Cam sành Hàm Yên, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá, Bình giữ nhiệt vỏ tre; đồng thời thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển các sản phẩm OCOP: quả lê Khâu Tràng, Na dai Lực Hành, Mật ong Sơn Phú, Hồng ngâm Xuân Vân, măng tre trinh, gà đen của người dân tộc Mông … Ngoài ra, UBND tỉnh đã cho phép 28 tổ chức được sử dụng tên địa danh để lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, trong đó xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 02 sản phẩm đặc sản của tỉnh đó là: Thịt trâu Chiêm Hóa và Rượu ngô men lá Na Hang.

Các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Hội chợ năm 2023

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức 02 Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2022, năm 2023 và Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang 2023 với sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và các chủ thể OCOP trong tỉnh và các tỉnh bạn như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La…; Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại và các nhà cung cấp sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang;… Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng tạo được bước phát triển mới, đến nay toàn tỉnh có 22 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Điển hình có Cửa hàng Thực phẩm xanh Sáng Nhung, địa chỉ: Tổ 8, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, doanh thu năm 2023 từ các sản phẩm nông sản của tỉnh, bao gồm cả sản phẩm đã công nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP đạt trên 300 triệu đồng/tháng và sơ sở 2 tại Số nhà 29-31-33, đường Phạm Văn Đồng, Tổ 2, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang; Cửa hàng Tâm Hương, địa chỉ: Số 320, đường 17/8, Tổ 4, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, doanh thu năm 2023 từ các sản phẩm nông sản của tỉnh, bao gồm cả sản phẩm đã công nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng và cơ sở 2 tại Số nhà 522-524-526 đường 17/8, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đánh giá Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vượt 7,8% mục tiêu phấn đấu về số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025; đã có 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87% mục tiêu đến năm 2025; điển hình có 2 huyện: Sơn Dương và Na Hang có 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về tổng số lượng sản phẩm. Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Uỷ viên Ban Châp hành Đảng bộ tỉnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2024-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, UBND các cấp đưa chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Phấn đấu đến hết năm 2025: Duy trì số sản phẩm đã công nhận phân hạng sản phẩm OCOP; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp sản phẩm, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm hạng 5 sao.

Bên cạnh đó, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, của các nhà khoa học và cả cộng đồng những người làm nông nghiệp để tiếp tục đạt được những thành tựu mới, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng phát triển ổn định, bền vững và hội nhập, góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.

Người viết: Ngô Tuyết Nhung - Chi cục Phát triển nông thôn